Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, phần lớn người mua nhà có nhu cầu ở thực đang gặp khó do nguồn cung hạn chế, giá nhà ở không ngừng tăng cao.
Việc giá bất động sản tăng quá cao, vượt quá so với mức chi trả của đại đa số người dân khiến thanh khoản trên thị trường tiếp tục suy giảm ở cả phân khúc chung cư.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý IV/2023, các căn hộ có giá từ 51-70 triệu đồng/m2 chiếm 63% nguồn cung mới, tăng 24% theo năm. Phần lớn nguồn cung trên thị trường bất động sản hiện nay đều thuộc phân khúc căn hộ có giá từ 3,5 đến trên 4 tỷ đồng.
Theo báo cáo mới nhất của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, giá sơ cấp (giá bán từ chủ đầu tư ) căn hộ chung cư cao một phần do có rất ít chủ đầu tư có dự án. Các chủ đầu tư có nguồn cung giai đoạn này hầu hết là các chủ đầu tư lớn, không gặp khó khăn về tài chính nên giá chào bán neo ở mức cao để thu tối đa lợi nhuận.
Chung cư cũ hấp dẫn người mua nhà ở thật vì giá mềm hơn chung cư mới và nhận nhà ở ngay.
Đáng chú ý, thị trường gần như vắng bóng các dự án mới có giá 40-50 triệu đồng/m2 tại Hà Nội và TPHCM. Các dự án căn hộ chung cư ở các tỉnh, thành phố lân cận cũng đã ghi nhận mức giá xung quanh 40 triệu đồng/m2. Hiện giá căn hộ chung cư sơ cấp trung bình tại Hà Nội là 51,7 triệu đồng/m2 và TPHCM tới 71 triệu đồng/m2.
Mặt bằng giá căn hộ chung cư sơ cấp khó giảm do chi phí đầu vào (chỉ số nhà ở và giá vật liệu xây dựng mỗi năm tăng khoảng 6%), lạm phát, lãi suất vẫn cao. Trong khi số lượng dự án nhà ở thương mại được phê duyệt mới ngày càng khan hiếm, quỹ đất tại các khu vực trung tâm cũng không còn nhiều.
Việc giá bán chung cư mới từ chủ đầu tư liên tục tăng cao khiến nhiều người có nhu cầu ở thực không có sự lựa chọn.
Chị Minh Khuê (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đã đi khảo sát rất nhiều và nhận thấy các dự án mới ra ở các quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân đều có giá từ 60 triệu đồng/m2 trở lên. Người có nhu cầu thực đều choáng vì giá bán tăng chóng mặt và ít sự lựa chọn.
Tài chính có hạn nên chị Khuê cùng gia đình chuyển hướng tìm mua lại những chung cư đã qua sử dụng từ 3 – 5 năm. “Giá chung cư đã qua sử dụng cũng tăng nhưng không cao như những chung cư mới. Ưu điểm là mình có thể nhận nhà ngay còn chung cư mới phải chờ 2-3 năm mới nhận được nhà”, chị Khuê nói.
Theo bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc cấp cao bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội – trong điều kiện hạn chế về nguồn cung và giá sơ cấp ở ngưỡng cao, cơ hội đối với người có nhu cầu mua ở thực có thể nằm ở thị trường thứ cấp (giá mua đi bán lại giữa người dân). Thị trường thứ cấp có ưu điểm về khả năng mua được với nhiều lựa chọn, phù hợp với khả năng chi trả và pháp lý đảm bảo hơn.
Theo nhiều chuyên gia, thị trường nhà ở thứ cấp Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì lượng giao dịch ổn định nhờ mức giá hấp dẫn, nhất là tại các quận huyện ngoài khu vực nội đô với mức giá thấp hơn khu vực trung tâm và cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện.
Trong năm 2024, xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra do nguồn cung bất động sản chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt và mức giá vẫn tiếp tục tăng cao. D ù ghi nhận nhiều tín hiệu cực, song cả nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng cần thêm thời gian để hồi phục trở lại cả về nguồn cung và thanh khoản.
Theo Ngọc Mai
Tiền Phong